Categories
Archives

Kinh ngạc ‘máy hút bụi’ khổng lồ nhất thế giới: 1 năm hút 36.000 tấn CO2 tương đương cắt giảm 7.800 xe xăng, 2050 đặt mục tiêu thu giữ 1 tỷ tấn

Written By Theo Đời Sống Pháp Luật    13/05/2024

Kinh ngạc ‘máy hút bụi’ khổng lồ nhất thế giới: 1 năm hút 36.000 tấn CO2 tương đương cắt giảm 7.800 xe xăng, 2050 đặt mục tiêu thu giữ 1 tỷ tấn, chi phí ước tính 100 USD/tấn.

 

Mammoth là nhà máy thương mại thu giữ CO2 của công ty Thụy Sĩ Climeworks, Iceland, lớn gấp 10 so với cơ sở tiền nhiệm là nhà máy Orca, theo CNN. Với vai trò như một máy hút chân không khổng lồ, Mammoth vừa bắt đầu đi vào hoạt động hôm 8/5.

 

Thu giữ CO2 trực tiếp (DAC) là công nghệ được thiết kế nhằm hút khí và lọc carbon bằng hóa chất. Carbon sau đó sẽ được chôn sâu dưới lòng đất, tái sử dụng hoặc biến đổi thành sản phẩm rắn để giảm lượng khí thải nhà kính.

 

Climeworks lên kế hoạch đưa carbon xuống lòng đất, đồng thời hợp tác với công ty Iceland Carbfix để thực hiện quá trình thu giữ. Toàn bộ hoạt động diễn ra nhờ năng lượng địa nhiệt sạch của Iceland chứ không phải than đá.

 

“Thu giữ không khí trực tiếp phải là một phần của các giải pháp khí hậu. Đây là yếu tố thiết yếu bên cạnh việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và loại bỏ khí thải tại nguồn,” đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành RepAir Amir Shiner cho biết.

 

Những giải pháp khí hậu thế hệ mới như DAC đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của giới chức các nước, trong bối cảnh nồng độ CO2 trong khí quyển đạt mức cao kỷ lục năm 2023. Khi hành tinh nóng lên kèm theo nhiều hậu luỵ cho hệ sinh thái tự nhiên và cuộc sống con người, các nhà khoa học cho rằng thế giới cần tìm cách loại bỏ CO2 khỏi khí quyển và cắt giảm nhiên liệu hóa thạch.

 

Tuy nhiên, công nghệ loại bỏ CO2 như DAC vẫn gây tranh cãi bởi quá tốn kém, đòi hỏi nhiều năng lượng và không thể chứng minh hiệu quả. Công nghệ này còn được cho là chứa đựng nhiều điều không chắc chắn và rủi ro sinh thái, theo Lili Fuhr, giám đốc chương trình kinh tế hóa thạch ở Trung tâm luật môi trường quốc tế.

 

Climeworks bắt đầu xây dựng Mammoth vào tháng 6/2022. Công ty cho biết đây là nhà máy thương mại thu giữ CO2 trực tiếp lớn nhất thế giới với 72 “buồng thu thập”. Phần chân không của cỗ máy thu giữ CO2 từ không khí, có thể xếp chồng lên nhau và di chuyển dễ dàng. Dự tính trong 1 năm, Mammoth sẽ hút tổng cộng 36.000 tấn CO2 từ khí quyển nếu chạy hết công suất, tương đương cắt giảm khoảng 7.800 xe xăng.

 

 

Climeworks không tiết lộ chi phí chính xác để loại bỏ một tấn CO2, song cho biết con số xấp xỉ khoảng 1.000 USD/tấn. Sau khi tăng quy mô, công ty đặt mục tiêu giảm chi phí xuống còn 300 - 350 USD/tấn vào năm 2030 và 100 USD/tấn vào năm 2050, theo Jan Wurzbacher, nhà đồng sáng lập kiêm giám đốc Climeworks.

 

Mammoth được đánh là bước quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, theo Stuart Haszeldine, giáo sư thu giữ và lưu trữ CO2 ở Đại học Edinburgh. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh hiệu quả quy mô vẫn khá nhỏ so với nhu cầu cần loại bỏ 70 triệu tấn CO2 vào năm 2030.

 

Theo Wurzbacher, Mammoth chỉ là giai đoạn mới nhất trong kế hoạch mở rộng quy mô thu giữ CO2 lên 1 triệu tấn/năm vào năm 2030 và 1 tỷ tấn vào năm 2050. Kế hoạch bao gồm các nhà máy DAC tiềm năng ở Kenya và Mỹ.

 

Climeworks hiện là công ty đi đầu trong cuộc đua loại bỏ khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển nhờ quy trình thu giữ không khí trực tiếp. Các khách hàng, bao gồm cả Microsoft, đã trả một khoản phí bảo hiểm đáng kể để mua tín dụng CO2 từ Climeworks, qua đó bù đắp hiệu quả lượng khí xả thải ra môi trường.

 

Climeworks từ lâu đã cam kết, rằng việc sử dụng các thiết bị hút không khí, lọc và chôn carbon dưới lòng đất có thể giúp giảm thiểu thiệt hại môi trường do con người gây ra. “Chúng tôi hy vọng mình đang từng bước dần trở nên lớn mạnh trong ngành này”, Christoph Gebald, đồng Giám đốc điều hành của Climeworks, cho biết.

 

Được thành lập vào năm 2009, Climeworks thực hiện hiệu quả công việc của một chiếc cây: loại bỏ khí CO2 ra khỏi bầu khí quyển. Quá trình này hứa hẹn sẽ có thể lưu trữ khí CO2 hàng nghìn năm dưới lòng đất.

 

 

Theo nhà cung cấp dữ liệu CDR.fyi, các doanh nghiệp trên toàn cầu đã đồng ý mua những khoản tín dụng tương đương hơn 700.000 tấn carbon được loại bỏ nhờ Climeworks và một số công ty khác. Ước tính hàng tỷ tấn CO2 mỗi năm cần phải được loại bỏ vào giữa thế kỷ này thì thế giới mới có thể tránh được những tác động tồi tệ nhất từ biến đổi khí hậu.

 

Trước đó, Climeworks đã huy động được khoảng 650 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm quỹ tài sản GIC Pte và công ty cổ phần tư nhân Partners Group Holding AG vào đầu năm 2022. Công ty cũng huy động thành công khoản tín dụng từ quỹ đổi mới khí hậu trị giá 1 tỷ USD của Microsoft.

 

Ngoài ra, kế hoạch Mỹ chi ra khoảng 3,5 tỷ USD thông qua dự luật cơ sở hạ tầng hồi năm 2021 để phát triển 4 trung tâm thu giữ không khí trực tiếp trong khu vực cũng được Climeworks để mắt.

 

“Sự hỗ trợ của chính phủ là một yếu tố thay đổi cuộc chơi”, Zeke Hausfather, trưởng nhóm nghiên cứu khí hậu của Stripe cho biết.

 

Theo Đời sống pháp luật

 

suggest

Phát hiện sinh vật "ma quái" bí ẩn, phát sáng dưới đáy biển, chưa từng được khoa học đặt tên News Phát hiện sinh vật "ma quái" bí ẩn, phát sáng dưới đáy biển, chưa từng được khoa học đặt tên

Để hiểu được tính đột phá của nghiên cứu mới này, bạn có thể tưởng tượng việc các nhà khoa học tìm thấy loài sinh vật này, cũng giống như họ tìm thấy một loài chuột biết bay trên đỉnh Everest.

Cài xác thực khuôn mặt mới chuyển được tiền, người phụ nữ vẫn mất 700 triệu đồng cho kẻ lừa đảo vì lý do này News Cài xác thực khuôn mặt mới chuyển được tiền, người phụ nữ vẫn mất 700 triệu đồng cho kẻ lừa đảo vì lý do này

Phát hiện tài khoản "bốc hơi" 700 triệu đồng và có giao dịch mà cô không hề thao tác. Tuy nhiên, người phụ nữ không hề biết rằng mình đã tiếp tay cho kẻ lừa đảo.