Written By Theo Phụ nữ Việt Nam 17/11/2024
Để hiểu được tính đột phá của nghiên cứu mới này, bạn có thể tưởng tượng việc các nhà khoa học tìm thấy loài sinh vật này, cũng giống như họ tìm thấy một loài chuột biết bay trên đỉnh Everest.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở trong một chiếc tàu lặn và chìm dần xuống đáy biển. Nhìn qua ô cửa kính paronama toàn cảnh, bạn thấy Mặt Trời ở trên đầu mình đang nhỏ dần, nhỏ dần, cho đến khi hoàn toàn biến mất.
Đó là khi áp suất của cột nước phía trên đã bóp nghẹt không khí bên trong con tàu lại. Đại dương lúc này, sẽ trở nên cực kỳ lạnh lẽo và tối tăm. Bởi ánh sáng và nhiệt lượng từ Mặt Trời không còn đủ năng lượng để chạm tới và sưởi ấm nữa.
Con tàu vẫn tiếp tục chìm xuống, chìm xuống cho tới khi đến được đáy biển. Bạn nghĩ thứ ánh sáng duy nhất có thể tồn tại ở độ sâu này, chỉ có thể là ánh sáng nhân tạo phát ra từ đèn mà loài người mang xuống theo con tàu.
Thế nhưng trong một khoảnh khắc, khi đồng hồ độ sâu đo được áp lực nước hiện tại là 2.600 mét, đột nhiên, bạn lại nhìn thấy một tia sáng le lói. Dường như có thứ gì đó tự nhiên đang phát sáng bên ngoài con tàu, một thứ ánh sáng yếu ớt, lập lờ, nhưng chắc chắn không phải là ảo giác.
Để nhìn nó rõ hơn, bạn tắt hết đèn trong cabin. Lúc này, thực thể huỳnh quang kỳ lạ và đầy bí ẩn đó mới lộ diện. Nó là một sinh vật nhỏ bé, trắng muốt với thứ gì đó giống trái tim màu đỏ bên trong đang lập lờ, lập lờ:
Đây là hình ảnh lần đầu tiên khi sinh vật này được nhìn thấy ở độ sâu 2.614 mét.
Sinh vật này không giống với bất kỳ sinh vật nào mà con người từng thấy
Báo cáo trên dựa theo một kết quả nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Deep-Sea Research Part I, trong đó, các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Thủy cung Monterey Bay (MBARI) Hoa Kỳ cho biết họ vừa định danh được một sinh vật hoàn toàn mới, phát hiện được từ những chuyến thăm dò gần đây của phương tiện lặn Tiburon.
Đây là một loài thân mềm, lớn bằng một quả táo. Nó có mũ trùm giống với loài sứa, phần thân xúc tu giống với mực và bạch tuộc, nhưng chân của nó lại giống với các loài ốc hoặc sên biển.
"Chúng tôi cũng không biết gọi sinh vật này là gì nữa", Bruce Robinson, tác giả nghiên cứu, cán bộ cao cấp tại MBARI phải thốt lên. "Trông nó rất buồn cười. Cứ như thể loài này đã được tạo ra từ một loạt các bộ phận thừa của các loài động vật khác".
"Trông nó rất buồn cười. Cứ như thể loài này đã được tạo ra từ một loạt các bộ phận thừa của các loài động vật khác".
Để hợp thức hóa sinh vật này trong các nghiên cứu của mình, ban đầu, các nhà khoa học đã phải gọi nó bằng một cụm từ chung: "Động vật thân mềm bí ẩn". Nhưng sau hơn 185 lần bắt gặp sinh vật này ở dưới đáy biển Monterey, cuối cùng, các nhà khoa học cũng phát hiện ra sinh vật này thuộc vào họ nào và loài nào. Lúc đó, nó mới được đặt tên.
Bathydevius caudactylus
Đây là cái tên mà các nhà khoa học tại MBARI vừa đặt cho loài thân mềm bí ẩn mà họ phát hiện được, với "bath" nghĩa là "sâu", "devius" nghĩa là "lạc đường", "caud" nghĩa là "đuôi" còn "dactylus" nghĩa là "ngón".
Bathydevius caudactylus nghĩa là "loài có đuôi dạng ngón, đi lạc xuống sâu". Nhưng tại sao lại "đi lạc xuống sâu", đó chính là phần bất ngờ nhất của nghiên cứu mà các nhà khoa học MBARI vừa công bố.
Sinh vật mà họ vừa xác định được chính xác là một loài sên biển.
Bathydevius caudactylus có nghĩa là "loài có đuôi dạng ngón, đi lạc xuống sâu".
Khi nhắc tới sên biển, chúng ta thưởng tưởng tượng đến những sinh vật thân mềm, chỉ biết bò dưới đáy biển, nhưng đáy biển này chỉ là đáy của vùng nước nông, không vượt quá độ sâu 30 mét.
Đây là khoảng nước mà ánh sáng mặt trời vẫn có thể chiếu tới được, cũng là nơi mà tảo và san hô phát triển mạnh. Những con sên biển thì ăn tảo và san hô để sống. Nên cực kỳ hãn hữu có một loài sên biển nào có thể sống ở các vùng đáy biển sâu hơn, hàng trăm mét chứ chưa nói đến hàng nghìn mét như Bathydevius caudactylus, nơi không hề có san hô và ánh sáng.
Đó là lý do tại sao nó được gọi là "Bathydevius", nghĩa là "đi lạc xuống sâu", và từ giờ trở đi, Bathydevius sẽ là một chi sên biển hoàn toàn mới.
Đa số các loài sên biển sẽ trông như thế này. Chúng có màu sắc sặc sỡ, sống ở các rạn san hô nông, gần với mặt biển, nơi ánh sáng vẫn chiếu tới.
Tìm thấy sên biển bơi ở độ sâu này, cũng giống như tìm thấy một loài chuột biết bay trên đỉnh Everest
Đó là một cách so sánh cho bạn hình dung được tính đột phá của khám phá về loài vật mới này. Thông thường, sên biển chỉ bò như chuột chỉ có thể chạy, chúng không thể bơi và lặn theo cột nước và đạt tới độ sâu hàng ngàn mét, như chuột không thể có cánh để bay cao đến tận đỉnh của trên dãy Himalaya.
Nhưng loài Bathydevius caudactylus đã thách thức tất cả các giới hạn mà một loài sên biển có thể tạo ra và làm được tất cả những điều đó. Bằng một cách nào đó, loài này đã tiến hóa để rời khỏi những rặng san hô đầy ánh sáng và lặn sâu xuống vùng biển tối tăm mà các nhà khoa học gọi là vùng "nửa đêm", ám chỉ ánh sáng sẽ không bao giờ chiếu được xuống dưới đó.
"Hầu hết các loài sên biển sống ở đáy vùng nước nông, vì vậy, chúng tôi rất ngạc nhiên khi tìm thấy một loài sên biển ở sâu trong cột nước và cách xa đáy sâu của biển", Robinson cho biết.
Bathydevius caudactylus vừa bắt một con giáp xác nhỏ bên trong mũ trùm của mình. Nó hoạt động như một cái lưới.
Từ bỏ vùng đáy nông nghĩa là sên biển Bathydevius caudactylus cũng sẽ từ bỏ chế độ ăn san hô thuần chay của tổ tiên mình. Thay vào đó, loài sinh vật này đã tiến hóa một cái mũ trùm giống như loài sứa để bơi theo chiều thẳng đứng, bắt và ăn thịt những loài giáp xác nhỏ mà chúng gặp.
Tại vùng "nửa đêm" của đại dương, việc sở hữu ngoại hình sặc sỡ như các loài sên biển khác cũng là vô nghĩa, vì Bathydevius caudactylus không cần phải lẩn vào hoặc ngụy trang trong đám san hô nữa.
Bởi vậy, chúng đã tự làm cơ thể mình trở nên trong suốt, trong suốt tới độ lộ cả các nội tạng ra bên ngoài. Không những vậy, Bathydevius caudactylus còn tiến hóa để có thể phát sáng.
Chúa đã hỏi: Sên biển, con muốn mang gì khi lặn sâu xuống đáy đại dương?
Câu trả lời của Bathydevius caudactylus là: "Một chiếc đèn". Đúng vậy, ở độ sâu 2.600 mét dưới đáy biển thì không gì hữu ích bằng việc bạn có thể tự mình phát sáng.
Các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu Thủy cung Monterey Bay cho biết: ""Khi lần đầu nhìn thấy loài sinh vật này, tất cả chúng tôi đã phải thốt lên là "Ooooh!", Tất cả chúng tôi đã đều bị mê hoặc bởi cảnh tượng đó".
Một sinh vật thân mềm, có một cái mũ trùm, và những cái đuôi tua rua giống như những ngón tay đang uốn lượn trong dòng nước. Điều đặc biệt là tất cả cơ thể của Bathydevius caudactylus hoàn toàn trong suốt, và nó phát sáng.
Bathydevius caudactylus có khả năng phát sáng huỳnh quang.
Các nhà khoa học cho biết cơ chế phát sáng của loài sên biển này liên quan đến sự phòng thủ của chúng. Bathydevius caudactylus chỉ phát sáng khi bị tàu nghiên cứu của viện thủy cung tiếp cận ở khoảng cách gần.
Có lần, họ còn thấy sinh vật này chỉ phát sáng một chiếc tua của mình, rồi tự ngắt nó ra khỏi cơ thể như cách mà thằn lằn rụng đuôi. Chiếc tua của Bathydevius caudactylus sau đó cứ thể trôi nổi, lập lòe trong khi con sên biển đã bơi đi chỗ khác.
Đây có thể là một cách mà Bathydevius caudactylus dùng để đánh lạc hướng kẻ thù săn đuổi chúng.
Bathydevius caudactylus chỉ phát sáng một chiếc tua của mình, rồi tự ngắt nó ra khỏi cơ thể như cách mà thằn lằn rụng đuôi.
Áp lực tiến hóa để thích nghi
Các nhà khoa học cho biết họ đã bắt gặp loài sên biển Bathydevius caudactylus tổng cộng 157 lần trong các chuyến lặn sâu xuống đáy biển ở Monterey. 18 mẫu sinh vật đã được thu thập và nghiên cứu. Trong đó, bộ gen của loài sinh vật này đã được giải mã để xác định nó chính xác là sên biển.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu kỹ giải phẫu, cơ chế hô hấp, phát quang sinh học, hành vi bắt mồi, ăn uống và sinh sản của Bathydevius caudactylus. "Điểm thú vị nhất của khám phá này là chúng tôi đã có thể đưa ra mô tả ban đầu toàn diện nhất từ trước đến nay về loài sinh vật biển sâu mới", Robinson cho biết.
Như đã nói, Bathydevius sử dụng phần mũ trùm đầu đồ sộ của nó để bắt con mồi. So với các loài sên biển khác sống ở đáy biển nông hơn, Bathydevius caudactylus không có lưỡi để cuộn thức ăn. Thay vào đó, chúng sẽ hút con mồi vào thẳng một cái miệng phía sau mũ trùm của mình, rồi nuốt chửng chúng.
Nghiên cứu hành vi ăn và tiêu hóa của Bathydevius caudactylus có lẽ là việc nhàn hạ nhất trong nghiên cứu này. Đó là bởi cơ thể Bathydevius caudactylus hoàn toàn trong suốt, các nhà khoa học có thể dễ dàng quan sát trực tiếp quá trình tiêu hóa thức ăn của chúng.
Bathydevius caudactylus vẫn giữ truyền thống của tổ tiên sên biển, nghĩa là nó là một loài lưỡng tính.
Còn về vấn đề sinh sản, Bathydevius caudactylus vẫn giữ truyền thống của tổ tiên sên biển, nghĩa là nó là một loài lưỡng tính. Chúng có một bộ cơ quan sinh sản cho cả hai giới, nhưng không thể tự thụ tinh.
Do đó, mỗi khi cần sinh sản, sên biển thường lặn xuống một độ sâu khoảng 2.755 mét để giao phối và đẻ trứng. Thế nhưng có lần, các nhà khoa học đã bắt gặp những con sên đi sâu xuống tận 4.009 mét để sinh sản.
Có lẽ, những con sên nghĩ rằng độ sâu này là an toàn cho những quả trứng của chúng. Hoặc có thể đó chính là chiến lược tiến hóa của Bathydevius caudactylus, cứ mỗi thế hệ chúng lại đi sâu xuống một chút để đẻ trứng, cho tới khi các ấu trùng Bathydevius caudactylus nở ra, thích nghi và làm chủ được toàn bộ những áp lực tiến hóa mà đáy biển đang đè chặt lên mình.
Nguồn: CNN, Sciencealert, Mbari
Sự kiện kỳ lạ này được phát hiện thông qua một tín hiệu bức xạ đặc biệt, được đặt tên là AT 2021hdr.
Các phi hành gia của NASA Butch Wilmore và Sunita Williams sẽ ở lại ít nhất chín tháng liên tiếp trên Trạm vũ trụ quốc tế trước khi trở về Trái đất. Liệu chuyến bay vũ trụ kéo dài này có lập kỷ lục?